Tết Đoan Ngọ một trong những ngày lễ truyền thống văn hóa phong phú của các nước Phương Đông như Việt Nam,Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,… thường diễn ra vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch hằng năm. Vậy bạn đã biết nguồn gốc, ý nghĩa Tết Đoan Ngọ chưa? Cùng GenzVietNam tìm hiểu về Tết Đoan Ngọ nhé!
Nguồn gốc Tết Đoan Ngọ
Tết Đoan Ngọ ( Tết Đoan Dương) tồn tại từ lâu đời trong văn hoá dân gian Phương Đông, có ảnh hưởng đến sinh hoạt văn hoá. Đoan ngọ là bắt đầu giữa trưa ( Đoan: mở đầu, Ngọ: giữa trưa) còn dương là mặt trời, là khí dương. Đoan Ngọ tức là lúc mặt trời bắt đầu ngắn nhất, ở gần trời đất nhất trùng với ngày hạ chí. Thời gian này cũng là khi khí dương đang thịnh nhất trong năm.
Tết Đoan Ngọ ( Tết diệt sâu bọ) ở Việt Nam
Người Việt hay gọi Tết Đoan Ngọ là Tết diệt sâu bọ. Có truyền thuyết kể rằng: một ngày sau vụ mùa, nông dân ăn mừng vì trúng mùa nhưng sâu bọ năm ấy lại kéo dày ăn mất cây trái, thực phẩm đã thu hoạch, người dân không biết làm cách nào để có thể giải được nạn, thì bỗng nhiên có một ông lão từ xa đi tới tự xưng là Đôi Truân.
Ông chỉ cho dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng đơn giản gồm có bánh gio (bánh tro), trái cây, sau đó ra trước nhà mình vận động thể dục. Người dân làm theo, chỉ một lúc sau đó, sâu bọ đã đi mất. Lão ông còn bảo thêm: Sâu bọ hằng năm vào ngày này rất hung hăng, mỗi năm vào đúng ngày này cứ làm theo những gì ta đã dặn thì sẽ trị được chúng.
Để tưởng nhớ việc này, dân chúng đặt cho ngày này là ngày “Tết diệt sâu bọ”, có người gọi nó là “Tết Đoan ngọ” vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ.
Ý nghĩa Tết Đoan Ngọ ở Việt Nam
Tết Đoan Ngọ được tổ chức vào ngày 5 tháng 5 âm lịch khi kết thúc vụ mùa chiêm, bước vào đầu mùa vụ. Đây là giai đoạn bà con nông dân làm lễ tạ ơn trời đất, tổ tiên và ăn mừng mùa vụ và tỏ lòng thành, cầu mong cho một mùa màng bội thu sắp tới.
Phong tục trong ngày Tết Đoan Ngọ
Hiện ở một số làng quê Việt Nam vẫn còn giữ nếp xưa, rất coi trọng ngày Tết này. Sau Tết Nguyên Đán, có lẽ “Tết giết sâu bọ” là cái Tết sum họp đầm ấm nhất và có nhiều tục lệ gắn kết với đời sống của người dân… vì vậy con cháu dù làm ăn xa xôi mấy cũng cố thu xếp để về.
Buổi sáng sớm ngày Tết Đoan Ngọ người ta ăn bánh tro, chè hạt sen, trái cây, rượu nếp để giết sâu bọ, bệnh tật trong người. Thường lệ người ta ăn rượu nếp ngay sau khi họ ngủ dậy.
Nhiều nơi có tục giết sâu bọ, tục nhuộm móng chân, móng tay, tục tắm nước lá mùi để phòng bệnh và tẩy trừ “sâu bọ”. Nhiều địa phương ở ven biển đúng giờ ngọ đi tắm biển. Tại vì ngày này, theo quan niệm dân gian khí dương mạnh nhất trong năm, người ta cúng lễ để cầu an, cầu cho một tiết mới, mừng sự trong sáng và quang đãng.
Cũng theo quan niệm đó, các loại cây lá hái trong thời gian này có tác dụng chữa bệnh tốt nhất nên các thầy thuốc thường lên núi hái thuốc.
Vào ngày Tết Đoan Ngọ, đúng 12 giờ trưa, nhiều địa phương sẽ thực hiện nghi thức khảo cây hay còn gọi là đánh cây. Theo quan điểm xưa, nếu thực hiện điều này và kèm theo ước muốn sung túc, đầy đủ thì sẽ được theo ý nguyện.
Những món ăn không thể thiếu trong Tết Đoan Ngọ
Trong “Tết giết sâu bọ” mọi người cùng nhau chuẩn bị những món ăn quen thuộc, đặc trưng trong mùa này để dâng lên ông bà tổ tiên với mong muốn được mùa màng bội thu. Bên cạnh đó mọi người còn quan niệm rằng vào ngày 5/5 âm lịch này, các loại ký sinh này thường ngoi lên, con người có thể ăn thức ăn, hoa quả vị chua, chát nhất là rượu nếp, có thể loại bỏ chúng. Một số món ăn không thể thiếu trong Tết Đoan Ngọ như:
Cơm rượu nếp
Theo y học cổ truyền cơm rượu có vị ngọt, tác dụng bổ trung ích khí, dùng chữa tiêu khát, suy nhược cơ thể, ra mồ hôi trộm… Vào sáng ngày 5 tháng 5, tất cả mọi người sau khi vệ sinh cá nhân đều cùng nhau ăn một chút cơm rượu nếp cẩm với mong muốn và niềm tin sẽ đẩy lùi được mầm bệnh trong cơ thể.
Bánh tro
Một phần không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ, bánh tro có vị nhạt tính mát, ăn dễ tiêu những trường hợp dương thịnh gây âm hư như vào mùa hè mà cực điểm là đầu tháng năm Đoan ngọ (đoan dương – chính dương) thường gây ôn dịch thương âm.
Trái cây
Vào đầu hè, các loại trái cây vào mùa thu hoạch. Việc ăn trái cây đầu mùa, đặc biệt là cái loại trái cây có vị chua chua như: mận, vải, xoài… không chỉ với mong muốn tiêu trừ mầm bệnh mà phần nào còn thể hiện được mong muốn hoa trái đầy nhà, sinh sôi nảy nở.
Thịt vịt
Nếu như thịt vịt là món ăn bị kiêng kỵ ăn vào những ngày đầu tháng thì nó lại rất được ưa chuộng trong đầu tháng 5. Cũng bởi quan niệm “diệt sâu bọ”, chữa bệnh mà thịt vịt với tính mát, có tác dụng cân bằng phong huyết, âm dương trong cơ thể được lựa chọn làm món chính trong ngày này.
Chè hạt sen hoặc chè đậu đen
Tiết trời đầu tháng Năm nắng nóng, dễ sinh các bệnh nhiệt trong người, chè hạt sen, chè đậu đen có tác dụng giải nhiệt.
Lưu ý cần biết trong ngày Tết Đoan Ngọ
Vào ngày này bạn nên tránh làm các điều sau:
Vứt giày dép lộn xộn
Trong tiếng Hán, giày dép đồng âm với từ “tà”. Vì vậy, trong ngày Tết Đoan Ngọ, để giày dép không đúng, vứt lộn xộn dễ chiêu dụ tà khí.
Tránh để rơi tiền
Rơi tiền bạc hay ví trong Tết Đoan Ngọ chẳng khác gì bạn để rơi mất tài lộc, tài vận ắt đi xuống.
Không mua vật phẩm có hình thù kỳ quái
Trong ngày Tết Đoan Ngọ, nên tránh mua những vật phẩm có hình thù kỳ quái, không rõ nguồn gốc, ý nghĩa để tránh rước thêm tà khí về.
Không chọn phòng đầu tiên hoặc cuối cùng ở hành lang khi ở khách sạn, nhà nghỉ
Theo phong thủy, hai vị trí này dễ hút nguồn năng lượng tiêu cực, không tốt cho sức khỏe.
Tránh dừng chân ở nơi âm u
Nếu xuất hành trong ngày này nên tránh xa bệnh viện, đám ma vì những nơi này âm khí quá nặng, dễ chiêu bệnh tật, tà khí.
Hy vọng qua bài viết này, giúp các bạn đã hiểu hơn ngày tết Đoan Ngọ là ngày gì cũng như sự tích và ý nghĩa của nó.
Thanh Thọ
Tên đầy đủ : Lê Thị Thanh Thọ. Sinh Năm 1992. Từng làm nhân viên kế toán sau đó chuyển sang lĩnh vực nghề tự do.